Xua tan 4 lầm tưởng về nhà máy thông minh

Nhà máy thông minh là bước chuyển mình quan trọng của thời đại công nghiệp 4.0. Đây được coi là sự đột phá của ngành sản xuất, với sự đổi mới về quy trình tích hợp với các tiến bộ công nghệ để kết nối từ giai đoạn sản xuất, quản lý đến khi sản phẩm đến tay khách hàng. Không ngạc nhiên khi thị trường nhà máy thông minh được định giá 252.29 tỷ USD vào năm 2019, và dự kiến sẽ đạt 427.37 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng CAGR là 9.22% trong giai đoạn dự báo 2020-2025.



Tuy nhiên, vẫn tồn tại những quan niệm sai lầm và giả định không chính xác xung quanh sự phát triển của nhà máy thông minh. Điều này đã khiến cho một số nhà điều hành sản xuất chần chừ trong việc chuyển đổi sang mô hình này.


Lầm tưởng 1: Công nghệ sẽ thay thế hoàn toàn con người

Nhắc đến nhà máy thông minh là nhắc đến một mô hình sản xuất được tích hợp những tiến bộ công nghệ cao và tự động hóa. Robot và Cobot trở thành một phần không thể thiếu trong hầu hết các ngành sản xuất công nghiệp. 


Những máy móc tự động này được coi là nguy cơ đối với việc làm của công nhân lao động. Điều này làm dấy lên mối lo ngại rằng mục tiêu cuối cùng của nhà máy thông minh là thay thế con người. 


Đúng là khi doanh nghiệp triển khai mô hình nhà máy thông minh sẽ giảm bớt lực lượng lao động không còn cần thiết trong một vài quy trình sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng tiến bộ công nghệ vẫn cần đến sự can thiệp của con người. Các phần mềm như IoT, MES, ERP… được đưa vào vận hành nhà máy thông minh, vẫn đòi hỏi một lượng công nhân viên nhất định để thực hiện các hành động kiểm soát, giảm sát, thu thập dữ liệu và quản lý.

Đọc thêm: Công nghệ 5G thúc đẩy mô hình nhà máy thông minh

Các phần mềm chỉ là công cụ hỗ trợ để việc sản xuất trở nên có hiệu quả hơn thông qua các dữ liệu thu thập theo thời gian thực hoặc các hình ảnh, bảng biểu trực quan. Đội ngũ sản xuất hoặc quản lý mới là những người đưa ra các quyết định cuối cùng để tối ưu hóa quy trình. Con người được hỗ trợ bởi máy móc, giảm bớt căng thẳng và tiết kiệm công sức làm việc, giúp họ tập trung hơn, đồng thời được sáng tạo hơn. 


Việc đầu tư vào công nghệ là đầu tư vào lực lượng lao động trong tương lai. Hệ sinh thái bao gồm những công cụ phức tạp và tinh vi là chìa khóa để thu hút lao động trẻ. Người lao động không chỉ đơn giản thực hiện một tác vụ duy nhất mà còn có thế trở nên đa kỹ năng, được kích thích khả năng phát triển, sáng tạo và tự chủ.


Lầm tưởng 2: Nhà máy thông minh chỉ dành cho những doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn

Việc chuyển đổi từ mô hình nhà máy truyền thống sang nhà máy thông minh sẽ cần một khoản chi phí nhất định cho việc đầu tư vào công nghệ cao. Tuy nhiên, mô hình này không chỉ dành cho một nhóm những doanh nghiệp có túi tiền lớn.


Chuyển đổi số đang dần trở thành điều kiện cần của các doanh nghiệp sản xuất trong thời đại công nghiệp 4.0. Các công nghệ hỗ trợ nhà máy thông minh cũng đang tiếp tục phát triển, trở nên ngày càng linh hoạt và có khả năng mở rộng cho nhiều đối tượng. Thế hệ tiếp theo của các công nghệ IoT, AI, Big Data hoặc các phần mềm quản lý như ERP hay MES đều đang được thiết kế để phù hợp với nhu cầu và chi phí của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.


Các giải pháp công nghệ số còn có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm tài nguyên, thời gian, từ đó tiết kiệm chi phí vận hành. Nhiều hệ thống không cần phần cứng bổ sung để khởi động. Trên thực tế, các doanh nghiệp có thể chạy giải pháp nhà máy thông minh thông qua điện toán đám mây, các dữ liệu được quản lý tập trung mà không cần xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT phức tạp.


Lầm tưởng 3: Triển khai nhà máy thông minh tốn rất nhiều thời gian

Khi bắt đầu xem xét dự án nhà máy thông minh, một số doanh nghiệp lo ngại rằng quá trình chuyển đổi sẽ tốn một khoảng thời gian rất dài hoặc sẽ không bao giờ kết thúc. 


Trên thực tế, việc xây dựng khung nền cho một nhà máy thông minh có thể mất đến vài năm nếu cơ sở hạ tầng hiện tại của doanh nghiệp thiếu tính linh hoạt và khả năng mở rộng bị hạn chế.


Tuy nhiên, việc xây dựng nhà máy thông minh là một quá trình liên tục, không phải trong một khoảng thời gian cố định. Doanh nghiệp cần phải mạnh dạn chuyển đổi, tạo ra điểm khởi đầu, từ đó tự động hóa mô hình dần dần. Làm việc với các nhà cung cấp uy tín, phù hợp cũng là cách để doanh nghiệp rút ngắn thời gian triển khai. Họ sẽ biết cách giúp doanh nghiệp nhanh chóng hình dung tổng quan giải pháp và có thể tùy chỉnh theo yêu cầu. 


Giải pháp nhà máy thông minh có thể triển khai trên đám mây cũng là cách để doanh nghiệp tiết kiệm thời gian cũng như chi phí. Việc này thường mất khoảng 3 tháng để thực hiện, so với cả năm để triển khai các giải pháp tại chỗ. 


Lầm tưởng 4: Các thiết bị cũ không thể sử dụng trong nhà máy thông minh

Các doanh nghiệp sản xuất hầu hết đã tồn tại một khoảng thời gian dài, vẫn đang chạy một số loại máy móc, hệ thống SCADA, hoặc thậm chí là dây chuyền được ứng dụng từ những năm 90. Các loại máy móc này vẫn được bảo trì thường xuyên và chưa bao giờ ngừng hoạt động. 


Một số doanh nghiệp lo ngại rằng các giải pháp phần mềm mới sẽ không thể tích hợp với các máy móc cũ hoặc hệ thống hiện có. Tuy nhiên, các hệ thống ứng dụng trong nhà máy thông minh hiện nay như MES, ERP, IoT hoàn toàn có thể tích hợp với giải pháp trao đổi thông tin hai chiều, tạo ra luồng dữ liệu liền mạch và tập trung thông tin. 


Các hệ thống, máy móc cũ được quản lý bởi giải pháp nhà máy thông minh giúp tối đa hiệu suất. Đồng thời, với những thông tin dược thu thập theo thời gian thực, các doanh nghiệp có thể giám sát mọi thời điểm, có kế hoạch bảo trì hoặc thay thế để tối ưu năng suất của nhà máy. 


Kết

Nhà máy thông minh là tiến bộ đáng chú ý trong thời kỳ chuyển đổi số. Đây là giải pháp được kỳ vọng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất và tăng tính cạnh tranh trên thị trường chuỗi cung ứng. Gỡ bỏ những hiểu lầm về mô hình này, mạnh dạn tiếp thu những tiến bộ công nghệ là cách giúp các doanh nghiệp sản xuất duy trì và phát triển bền vững.