Công nghệ 5G đã và đang được triển khai tại Việt Nam trong hơn một năm trở lại đây, với sự tham gia của các tập đoàn viễn thông lớn. Việc này giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về công nghệ này trên toàn thế giới. Các chuyên gia cho rằng chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng khi cho thúc đẩy mạng 5G và đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng số. Ngành sản xuất công nghiệp cũng được cho là hưởng lợi đầu tiên, đặc biệt là trong phát triển mô hình Nhà máy thông minh.
Yếu tố cần và đủ để triển khai mô hình nhà máy thông minh tại Việt Nam
Cùng với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ và được thúc đẩy bởi nền kinh tế số, triển khai mô hình nhà máy thông minh tại Việt Nam sẽ tạo nên làn sóng phát triển kinh tế xã hội mới. Chuyển đổi số được kỳ vọng sẽ có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, 25% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.
Phát triển nền kinh tế số cần được thúc đẩy bởi các tiến bộ công nghệ và khoa học như mạng không dây 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây hay blockchain. Đây cũng là những công nghệ được ứng dụng việc triển khai xây dựng nhà máy thông minh.
Việc thúc đẩy mạng 5G thử nghiệm thương mại từ tháng 12/2020, và đẩy mạnh phát triển hạ tầng số đang mang lại cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc khai phá tiềm năng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là nền tảng cho việc ứng dụng rộng rãi tiến bộ công nghệ vào sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang hình thái nhà máy thông minh, hiện thực hóa tầm nhìn của chính phủ.
Công nghệ 5G thúc đẩy sản xuất thông minh như thế nào?
Mạng 5G hiện đang là mạng kết nối nhanh và đáng tin cậy nhất. Trong điều kiện tiêu chuẩn, mạng 5G có tốc độ lên đến trung bình 1 gigabit / giây, tức gấp khoảng 1000 lần so với công nghệ 4G hiện hành. Với tốc độ này, việc ứng dụng 5G cho nhà máy thông minh sẽ là sự hỗ trợ đắc lực trong việc truyền tải thông tin, dữ liệu giữa các phần mềm và hệ thống quản lý.
Các phần mềm tích hợp trong giải pháp nhà máy thông minh được chạy trên cùng một nền tảng mạng. Tốc độ truyền dẫn nhanh chóng với độ trễ thấp chỉ khoảng 1 mili giây giúp các luồng thông tin đi nhanh hơn, từ đó tăng tốc độ cập nhật dữ liệu của hệ thống IIoT. Hiệu suất máy móc và tình trạng sản xuất được cập nhật liên tục đến các nhà quản lý, giúp họ nhanh chóng đưa ra các phản ứng kịp thời nếu có tình huống phát sinh.
Công nghệ 5G với tốc độ và tính bảo mật cao giúp các doanh nghiệp có nhiều cơ hội trong việc mở ra một không gian ảo, tạo ra một bản sao nhà máy trên nền tảng đám mây. Tại đây, doanh nghiệp có thể thử nghiệm các quy trình sản xuất mới, sử dụng cùng dữ liệu của môi trường thật mà không gây ảnh hưởng đến nhà máy trên thực tế.
Sự xuất hiện của công nghệ 5G cũng tạo điều kiện cho sự phát triển của công nghệ robot tự động hoặc xe tự hành trong nhà máy thông minh. Tốc độ truyền dẫn dữ liệu nhanh chóng cho phép robot di chuyển linh hoạt và chính xác trong nhà máy hoặc kho thông minh theo sự điều hành của trung tâm điều khiển.
Đọc thêm: Sản xuất tinh gọn và nhà máy thông minh có cùng tồn tại
Mạng 5G còn được kỳ vọng có thể mở rộng platform IoT. Các thiết bị IoT thu thập dữ liệu liên tục theo thời gian thực, việc này có thể ảnh hưởng tới thời lượng pin và tuổi thọ của thiết bị. Công nghệ 5G không dây có thể giảm tới 90% mức sử dụng năng lượng mạng, từ đó có thể kéo dài thời hạn sử dụng của các thiết bị IoT. Điều này giúp hệ thống có duy trì lâu dài, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.
Trên thế giới đã có những doanh nghiệp thành công trong việc thực hiện chuyển đổi số 5G trong lĩnh vực sản xuất. Nhà máy thông minh 5G của tập đoàn Ericsson tại Texas, Mỹ được coi là nhà máy tiên phong trong việc chuyển đổi. Với việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, năng suất lao động tính trên đầu người đã tăng 2,2 lần so với nhà máy không được tự động hóa. Mô hình này được tạo ra để giải quyết các thách thức như giảm chi phí, cải thiện thời gian, tăng chất lượng,...
Việt Nam được đánh giá là môi trường tiềm năng để phát triển nhà máy thông minh. Theo một nghiên cứu của tập đoàn Ericssons, trong thời gian tới, hơn 2/3 các nhà sản xuất toàn cầu sẽ di chuyển tới khu vực Châu Á Thái Bình Dương vào năm 2025, và Việt Nam được đánh giá là một điểm đến hấp dẫn. Doanh thu 5G tại Việt Nam ước tính sẽ đạt 1,54 tỷ vào năm 2030, trong đó ngành sản xuất sẽ dẫn đầu.
Kết
Công nghệ 5G mở ra một kỷ nguyên mới về mạng không dây, không chỉ có tác dụng với đời sống mà còn với cả ngành sản xuất. Phát triển và triển khai hiệu quả mạng 5G vẫn còn là một hành trình dài, tuy nhiên điều này hứa hẹn sẽ mở ra tương lai bùng nổ mạnh mẽ của các công nghệ tiên tiến dùng trong nhà máy thông minh. Ứng dụng công nghệ 5G sẽ mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tạo giá trị lớn trên chuỗi cung ứng toàn cầu.