Nền kinh tế sản xuất đang trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ, chậm trễ trong việc ứng dụng công nghệ sẽ khiến doanh nghiệp bị bỏ lại trên trường đua chuỗi cung ứng toàn cầu. AR là một trong những công nghệ tiêu biểu đang được sử dụng rộng rãi nhằm tăng hiệu quả làm việc, tuy nhiên nó cũng đặt ra những thách thức cho người lao động.
Nền kinh tế đối mặt với nguy cơ thiếu nhân lực có kỹ năng
Những năm gần đây, công nghệ robot, tự động hóa đang dần chiếm vai trò quan trọng và là nguồn lực chính tại các nhà xưởng. Công nghệ này giải phóng sức lao động của con người, giúp giảm thiểu sai sót và tăng năng suất làm việc. Do đó, nhiều doanh nghiệp lựa chọn triển khai những dây chuyền sản xuất tự động để hỗ trợ con người trong những hoạt động sản xuất lặp lại. Lực lượng lao động giờ đây cần tập trung trí lực ở những công việc cần trí óc sáng tạo và những hoạt động phức tạp, đòi hỏi họ cần có những kỹ năng và chuyên môn sâu.
Việc các nhân viên sản xuất có kinh nghiệm lâu năm nghỉ hưu cũng là nguyên nhân gây nên việc thiếu nhân lực giỏi. Theo báo cáo của Bộ lao động Hoa Kỳ, độ tuổi trung bình của một người thợ máy là 53 tuổi và 90% trong số đó đã hơn 40. Điều này đồng nghĩa với việc các nhân viên có kinh nghiệm sẽ đồng loạt nghỉ hưu trong 10 năm và bỏ trống 2,1 triệu việc làm vào năm 2030.
Vấn đề thiếu nhân công còn đến từ việc nhiều người đang có quan niệm sai lầm về ngành sản xuất. Nhiều sinh viên hiện nay nghĩ rằng sản xuất là một ngành yêu cầu ‘thấp’ và chỉ dành cho những ai không có bằng cấp. Thực tế, ngành sản xuất đang ngày càng ứng dụng công nghệ cao hơn, yêu cầu nhiều kiến thức để có thể làm việc, không chỉ cải thiện năng suất của nhân viên mà còn cung cấp các kỹ năng 4.0 có thể chuyển giao.
Công nghệ AR thay đổi cách doanh nghiệp đào tạo nhân viên
Để tạo ra sự làm việc hiệu quả giữa con người và công nghệ mới trong dây chuyền sản xuất, các doanh nghiệp thường tốn từ vài tháng đến hơn một năm để đào tạo nhân viên. Thời gian này được xem là quá chậm so với sự phát triển phi mã của ngành. Do vậy, mà nhiều doanh nghiệp hiện nay phải tìm ra giải pháp để đẩy nhanh tốc độ học hỏi của nhân viên, điển hình là công nghệ AR.
AR (Viết tắt của Augmented Reality) là công nghệ thực tế ảo tăng cường. Đây là một phương pháp trực quan với khả năng tương tác cao để giả lập những thông tin kỹ thuật số có liên quan đến bối cảnh của môi trường vật lý. Công nghệ AR cho phép nâng cao khả năng nhìn bằng cách hữu hình các thông tin và mô phỏng vào thế giới thực.
Triển khai công nghệ AR, các doanh nghiệp công nghiệp đang tăng cường hiệu quả và an toàn của lực lượng lao động, cải thiện hiệu suất tổng thể OEE và giảm chi phí trên toàn bộ nhà máy và hiện trường.
Công nghệ AR cũng đã mang đến một phương thức đào tạo mới. Các chuyên gia sản xuất có thể nắm bắt các bước và sắp xếp thành quy trình thực tiễn và sau đó chuyển đổi nó thành những tài liệu đào tạo, sau đó sử dụng AR để trực quan hóa quy trình. Nhờ vậy, không chỉ doanh nghiệp tiết kiệm công sức đào tạo mà còn giúp những nhân viên mới vào nghề bắt kịp tốc độ sản xuất và nhanh chóng tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp.
Đọc thêm: Tối ưu lực lượng sản xuất với công nghệ nhà máy thông minh
AR đã mang một giải pháp đào tạo hiện đại, dễ tiếp cận để chuyển giao kiến thức nhanh hơn. Các nhân viên sẽ biết chính xác những thông tin họ cần ở đâu và khi nào cần chúng, nâng cao khả năng hiểu sâu hơn về chuyên môn trong thời gian ngắn.
Tóm lại, AR đang định hình lại cách các nhân viên tiếp thu kiến thức và tương tác với môi trường làm việc, giúp việc thực thi nhanh hơn, giảm thiểu các quy trình thủ công và đưa những quyết định chính xác hơn. Bên cạnh đó, nhân sự cũng nên chủ động học hỏi các kỹ năng công nghệ và kỹ năng chuyển đổi khác để tăng cơ hội việc làm của bản thân.