Bà Yen Nee Goh, Giám đốc quốc gia Intel Việt Nam và Indonesia cho biết: Trong vòng 5 năm tới, mô hình nhà máy thông minh sẽ phát triển nở rộ tại các nước ASEAN, trong đó Việt Nam được coi là nước trọng điểm đầu tư trong khu vực.
Dữ liệu đóng vai trò cốt lõi trong mô hình nhà máy thông minh
Vào năm 2021, hệ thống điều khiển trong công nghiệp tích hợp trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu đạt tỷ lệ dưới 5%, ước tính con số này sẽ đạt 30% vào năm 2025.
Một thống kê khác dự báo quy mô ngành sản xuất thông minh toàn cầu sẽ đạt 348,8 tỷ USD vào năm 2025, tăng gần gấp đôi so với năm 2020. Trong đó, khu vực Châu Á Thái Bình Dương sẽ có tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm cao nhất trong lĩnh vực.
Trong xu hướng này, nhà máy thông minh là một giải pháp all-in-one, tích hợp tất cả các chức năng, nghiệp vụ trên cùng một nền tảng duy nhất, giúp các doanh nghiệp dễ dàng kiểm soát. Mô hình quản trị doanh nghiệp này sẽ được ứng dụng các công nghệ tiên tiến để thu thập và phân tích dữ liệu chuẩn xác nhất, phục vụ cho những quyết định mang tính chiến lược.
IoT công nghiệp (Industrial Internet of Things) tập hợp các cảm biến, thiết bị và công cụ kết nối qua internet, tập hợp dữ liệu về các hoạt động của máy móc dựa trên thời gian thực, cung cấp cái nhìn cận cảnh về quá trình sản xuất. Hay robot công nghiệp tích hợp AI, camera, cảm biến, khả năng ‘nhìn’... giúp chúng tự quyết định hành động mà hạn chế sự tham gia của con người.
Triển khai nhà máy thông minh sẽ đem đến cho doanh nghiệp sản xuất những cải tiến vượt trội: Đẩy nhanh tốc độ mở rộng quy mô, Giảm thiểu chi phí sản xuất, Đồng đều chất lượng sản phẩm, Hoạt động vận chuyển nhanh chóng, Bảo trì dự đoán, Đảm bảo an toàn lao động.
Bài toán đặt ra khi triển khai mô hình nhà máy thông minh
Ngày càng nhiều công ty lựa chọn phát triển theo phương án lấy dữ liệu làm trung tâm, tuy nhiên có đến 76% các công ty này đã triển khai thất bại. Tương tự với chuyển đổi số sản xuất, phần trăm các doanh nghiệp gặp rắc rối lên tới 60%, chủ yếu là các vấn đề liên quan tới: con người, quy trình, công nghệ, phương án triển khai,... Nguyên nhân của việc này là do dữ liệu trong các doanh nghiệp sản sinh ngày càng nhiều, cộng thêm dữ liệu phi cấu trúc từ công nghệ kỹ thuật số như AI, IoT và không gian mạng, trong khi quy trình và công nghệ lạc hậu không đủ khả năng để xử lý.
Các doanh nghiệp cần lưu ý rằng mô hình nhà máy thông minh là một giải pháp toàn diện, cần có sự chuyển đổi song song giữa hội tụ OT/IT, công nghệ sản xuất và công nghệ vận hành. Hầu hết các công ty hiện nay chỉ dừng lại ở bước thay đổi công nghệ sản xuất tại hiện trường, khiến dữ liệu đổ về đầy đủ, chính xác nhưng không được tận dụng tối ưu.
Theo bà Yen Nee Goh, để áp dụng thành công mô hình nhà máy thông minh, dữ liệu dựa trên thời gian thực của nhà máy cần được liên thông với dữ liệu của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng trên quy mô lớn.
Như vậy, để triển khai mô hình nhà máy thông minh hiệu quả, dữ liệu cần được chọn lọc, xử lý, xem xét đầy đủ trên nền tảng hiện có của doanh nghiệp, từ đó mới áp dụng các công nghệ mới, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và sớm đạt được mục tiêu đề ra.