Nhiều năm qua, sản xuất tinh gọn đã chứng minh được vai trò của mình trong việc tăng năng suất, giảm phế phẩm và chi phí. Tuy nhiên, với sự phát triển nở rộ của công nghiệp 4.0, nhiều nhà sản xuất đã loại bỏ nguyên lý sản xuất tinh gọn với kỳ vọng cải thiện quy trình sản xuất nhờ áp dụng các công nghệ mới của nhà máy thông minh. Điều này đặt ra một câu hỏi: Liệu sản xuất tinh gọn và nhà máy thông minh có thể cùng tồn tại trong một hệ thống?
Trong buổi Webinar ‘The next generation of lean into connected factory’, chuyên gia Martin Boersema đã phát biểu rằng, Lean vẫn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong tầng sản xuất và phương pháp này không chỉ tồn tại với nhà máy thông minh mà chúng còn có mối liên hệ mật thiết.
Lean Manufacturing - Sản xuất tinh gọn là gì?
Sản xuất tinh gọn là triết lý hoạt động dựa trên nguyên tắc loại bỏ những lãng phí trong sản xuất, tăng năng suất và tối ưu chi phí. Phương pháp sản xuất này được tiên phong ứng dụng bởi Toyota Production Systems những năm 1990s và lan rộng ra trên toàn thế giới và được nhiều tập đoàn lớn như Nike, Intel ứng dụng.
Để thiết lập được hệ thống sản xuất tinh gọn hoàn chỉnh, doanh nghiệp phải đáp ứng được đầy đủ 14 nguyên tắc của LEAN hay một số công cụ cải tiến như: Six Sigma, chu trình PDCA,... và công ty sẽ nhận được những lợi ích rõ rệt:
Tăng 26% tốc độ giao hàng
Tăng 33% vòng quay hàng tồn kho
Tăng 25% năng suất làm việc
Giảm 26% lãng phí nguyên vật liệu và sản phẩm lỗi
Tiết kiệm không gian đến 33%
Smart Factory - Nhà máy thông minh là gì?
Nhà máy thông minh là hệ thống sản xuất tích hợp toàn diện, tạo ra một hệ thống sản xuất kết nối và linh hoạt theo thời gian thực (realtime), nhằm mục đích nắm bắt nhanh chóng với sự thay đổi của chuỗi cung ứng, khách hàng và nhu cầu thị trường. Smart Factory có khả năng tích hợp các phần mềm quản lý như ERP và MES, tự động hóa việc giám sát sản xuất, cho phép theo dõi trực quan hiệu suất, phân tích và đưa ra những dự báo. Bốn yếu tố cốt cán trong nhà máy thông minh là: tài sản, dữ liệu, con người và quy trình.
Thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được coi là nền tảng phát triển của nhà máy thông minh. Có nhiều công nghệ tham gia vào hoạt động sản xuất thông minh, trong đó hai phương diện tiêu biểu nhất là”
IIoT-Industrial Internet of Things: bao gồm các máy, thiết bị cầm tay được tích hợp cảm biến, cảm ứng hoặc camera, các dòng robotics hoặc cobots để thu thập các dữ liệu ngay trong quá trình sản xuất hoặc di chuyển.
Khả năng kết nối giữa Shop Floor (Tầng nhà xưởng) đến Top Floor (Tầng quản trị): Thông suốt dữ liệu từ tầng sản xuất đến tầng quản trị cung cấp khả năng phân tích và chuyển đổi thành thông tin trong thời gian thực, hỗ trợ các nhà quản trị đưa ra những chiến lược doanh nghiệp.
Sự kết hợp hoàn hảo giữa sản xuất tinh gọn và nhà máy thông minh
Ngày nay, các quá trình sản xuất phức tạp không thể chỉ tối ưu bằng các nguyên tắc LEAN, hay dựa trên các tài liệu thu thập thủ công của nhân viên. Hơn thế, các nhà máy cần phải ứng dụng thêm các công nghệ mới để chuyển đổi số trở thành nhà máy thông minh, từ đó tăng tốc bứt phát và đạt được ROI hiệu quả. Các nhà máy sản xuất tinh gọn cần được chuyển đổi số thông qua việc ứng dụng các công nghệ nhà máy thông minh, từ đó tăng tốc, duy trì và nâng cấp sản xuất tinh gọn và đạt được ROI (Lợi tức đầu tư) hiệu quả.
Thu thập dữ liệu chính xác
Sự kết hợp này cho phép doanh nghiệp xác định và thiết lập các quy trình để tự động thu thập dữ liệu, phân tích để đưa ra các quyết định chiến lược sáng suốt và chuẩn hóa việc thu thập dữ liệu và đo lường KPI.
Tăng khả năng kết nối và quản lý
Cho phép người vận hành dễ dàng truy cập dữ liệu ở mọi nơi, bao quát được tình trạng sản xuất tại nhà máy, kho bãi, vận chuyển, giúp ban quản trị kiểm soát quy trình hiệu quả, theo sát mục tiêu và tiêu chuẩn đề ra, tăng khả năng đưa ra quyết định.
Tăng năng suất làm việc
Trong nhà máy thông minh, nhiều khâu trong dây chuyền sản xuất đã được thay thế bằng máy móc tự động hóa, con người đóng vai trò là người theo dõi và vận hành. Việc kết hợp với sản xuất tinh gọn sẽ thúc đẩy sự tương tác giữa máy móc và con người, đo lường hiệu quả công việc, theo dõi những nâng cấp trong sản xuất và duy trì hiệu quả.
Cải tiến đo lường
Sự kết hợp mang lại những phân tích chính xác từ Big Data mang lại giá trị cho doanh nghiệp. Nó đem lại những tiêu chuẩn chung nhờ khả năng chia sẻ dữ liệu trên cùng nền tảng. Bên cạnh đó, các công nghệ nhà máy thông minh sẽ tối ưu hoạt động sản xuất tinh gọn nhờ đo lường và xác định các nguồn tài nguyên cần thiết để bổ sung kịp thời, tránh làm gián đoạn quy trình sản xuất.
Với công nghệ nhà máy thông minh phù hợp, kết hợp với các nguyên tắc tinh gọn, doanh nghiệp có thể sở hữu một chu trình cải tiến liên tục, nhanh nhạy trên thị trường, đưa doanh nghiệp lên nấc thang sản xuất mới.