Xuất lượng (Throughput) và phân biệt với năng suất (Productivity)

Xuất lượng và năng suất đều là những chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sản xuất, khiến nhiều người nhầm lẫn hai khái niệm này là một. Bài viết ngày hôm nay sẽ chia sẻ những kiến thức cơ bản của xuất lượng và năng xuất, đem lại cho bạn đọc cái nhìn cận cảnh hơn về hai chỉ số này.

Xuất lượng (Throughput) là gì? 

Theo Wikipedia, xuất lượng là chỉ số mà sản phẩm được hình thành thông qua quy trình sản xuất đến khi phân phối đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Hiểu đơn giản, xuất lượng là một chu kỳ thời gian của sản phẩm. 

Mục tiêu của hầu hết các doanh nghiệp là hướng tới giảm thiểu chi phí đầu tư vào nguyên vật liệu, chi phí vận hành trong khi tăng xuất lượng sản xuất. Xuất lượng càng cao chứng tỏ doanh nghiệp càng tốc độ đáp ứng nhu cầu của thị trường cao và xây dựng được lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ. Xuất lượng cũng là yếu tố trọng điểm giúp công ty gia tăng lợi tức đầu tư, đem lại doanh thu và lợi nhuận cao hơn. 

Throughput được tính theo công thức:

Xuất lượng = Tổng số lượng sản phẩm/Thời gian

Xuất lượng cho phép các doanh nghiệp nắm bắt được tính khả thi trong việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng và có cái nhìn tổng thể về hiệu quả của nhà máy. Việc tính toán thông lượng đòi hỏi phải tính đến hiệu quả sản xuất tương đối của từng máy dọc theo dây chuyền. Các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến xuất lượng sản xuất tốt bao gồm thời gian ngừng hoạt động, tốc độ máy, thiết hụt nguyên liệu thô, lỗi của người vận hành và thiếu tương thích trong vận hành.

Năng suất (Productivity) là gì? 

Trong phạm trù sản xuất, năng suất đề cập đến tỷ lệ thành phẩm đầu ra dựa trên một khối lượng đầu vào. Các yếu tố đầu vào bao gồm: nguyên vật liệu, thời gian sản xuất, nguồn vốn và tài nguyên tự nhiên. Yếu tố đầu ra là số lượng sản phẩm đã được sản xuất. 

Productivity được tính theo công thức: 

Năng suất = Sản lượng đầu ra/Yếu tố đầu vào

Chỉ số này giúp doanh nghiệp đánh giá được mức độ hiệu quả của dây chuyền sản xuất, từ đó đưa ra những kế hoạch cải thiện phù hợp để tối ưu lượng đầu vào và đảm bảo số lượng đầu ra mục tiêu. Năng suất của nhà máy càng cao, doanh nghiệp càng cần ít nhân lực để phát triển sản phẩm và sản xuất, nhờ đó mà chi phí càng thấp. 

Sự khác biệt giữa xuất lượng và năng suất

Nhìn vào những vấn đề mà hai khái niệm này đề cập tới, năng suất tập trung vào số lượng đầu vào, đầu ra. Không giống như năng suất, xuất lượng bỏ qua yếu tố đầu vào mà chú trọng đến yếu tố thời gian từ lúc bắt đầu sản xuất đến khi sản phẩm đưa ra thị trường. Năng suất giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí, trong khi xuất lượng đem lại lợi ích về thời gian sản xuất và bán sản phẩm. 

Theo như các chuyên gia kinh tế, thời gian mới là nhân tố chủ yếu tạo nên hiệu quả quay vòng vốn, sản sinh ra nhiều doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Do đó mà xuất lượng thường được ưu tiên cải tiến.

Tuy nhiên, xuất lượng hay năng suất đều là những chỉ số không thể thiếu trong việc đánh giá hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp. Cải thiện xuất lượng và năng suất là cần thiết nhưng nó cần thực hiện song song với việc cải thiện chất lượng sản phẩm.  Trong thời buổi chuyển đổi số sản xuất, triển khai nhà máy thông minh là giải pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn, đáp ứng cả ba yêu cầu trên. Nhà máy thông minh cho phép doanh nghiệp tận dụng sự phối hợp của công nghệ thông tin (IT) và công nghệ vận hành (OT) như Big Data, IoT, Tự động hóa hay các phần mềm quản lý ERP MES, để kết nối dữ liệu sản xuất từ tầng nhà xưởng đến tầng quản lý. Ứng dụng nhà máy thông minh, doanh nghiệp sẽ có thể tối ưu thời gian sản xuất, kiểm soát chất lượng ngay trong quá trình sản xuất, thu thập, xử lý dữ liệu một cách chính xác, phục vụ cho các quyết định quan trọng trong sản xuất. Từ đây, doanh nghiệp sẽ nâng cấp được toàn bộ hệ thống, phát triển toàn diện cả về tốc độ mở rộng quy mô, tối ưu chi phí, tăng chất lượng, đẩy nhanh thời gian giao hàng.